Một cái tên gắn liền với sự hoài cổ, sống chậm trong từng sản phẩm, một thương hiệu đi ngược lại xu hướng chế tạo công nghệ. Fujifilm là một kẻ như vậy khi hãng đã thẳng thừng tuyên bố sẽ tập trung để phát triển mảng cảm biến APS-C, bỏ qua Full-frame. Tưởng như hãng đã yên phận với hệ cảm biến này, tuy nhiên, Fuji đã chịu chơi tạo nên một cú nhảy từ APS-C lên hẳn Medium Format.
Liều mình vào thử thách mới
Miếng bánh thị trường của hệ máy ảnh cảm biến Full-frame đã và đang được những cái tên: Canon, Sony, Nikon, Pentax thi nhau xâu xé, Leica thì đừng ngoài dòng chảy này, tự tạo nên một đế chế riêng nên tôi xin phép không bàn đến.
Cạnh tranh gay gắt là vậy nên ít có hãng nào dám thò thêm chân vào, đến Pentax – Một cái tên cực lâu đời trong ngành ảnh, cũng chỉ là một kẻ mới tham gia khi tung ra chiếc K-1 trong năm 2016 vừa qua. Và Fujifilm đã khá khôn ngoan và cũng đủ liều khi bỏ qua thị trường này và nhảy thẳng lên cảm biến Medium Format đang bị bỏ ngỏ, với một sản phẩm có tên GFX 50S.
Trước kia, khi chiếc máy ảnh Medium Format của Fujifilm chỉ còn nằm ở những tin đồn, nhiều kẻ đã buông những lời chê bai hãng về việc chỉ sản xuất được cảm biến APS-C. Đến sau khi Photokina 2016 được mở ra, chiếc máy ảnh GFX 50S đã chính thức được Fujifilm viết giấy khai sinh trên thị trường nhiếp ảnh thế giới. Đây giống như một phát tát cho những kẻ còn đang nhếch mép khinh thường và là một cú đánh động vào thị trường vốn chỉ mang trong mình những cái giá đắt đỏ do hệ cảm biến khổ lớn đem lại.
Cấu hình tốt, giá cả hấp dẫn
GFX 50S mang trong mình cảm biến kích cỡ 43.8×32.9mm có độ phân giải 51.4 mpx, dải ISO kéo dài từ 100-12800 (mở rộng lên tới 50-102400). Máy có khả năng quay phim Full HD 30 hình/s, số điểm AF lên tới 117 điểm với công nghệ lấy nét dựa theo tương phản. Thiết kế vỏ máy chắc chắn từ vỏ kim loại magie, chống chịu thời tiết, màn hình cảm ứng độ phân giải 2.36mpx có khả năng xoay lật nhiều góc.
Nếu như chiếc X1D của Hasselblad khi ra mắt có giá là 9000 USD, Fujifilm đã hứa hẹn sẽ tạo ra được một “kì phùng địch thủ” có mức giá rẻ hơn rất nhiều. Và đúng như vậy, đến nay, GFX 50S đã chính thức được công bố giá là 6500 USD và sẽ bắt đầu bán ra từ tháng 01/2017. Chiếc máy này rẻ hơn 2500 USD so với X1D, đắt hơn Canon 1DX mark II khoảng 500 USD, bằng giá Nikon D5 và rẻ hơn Pentax 645Z với mức chênh 500 USD. Một mức giá tốt nhất cho đến thời điểm hiện tại đối với dòng máy ảnh Medium Format.
Mặc dù đứng chung sân, bằng vai với Hasselblad X1D và là một trong những chiếc máy ảnh Mirrorless Medium Format đầu tiên trên thế giới, nhưng GFX 50S lại có mức giá rẻ khiến người dùng thực sự phải suy ngẫm. Với Hasselblad, máy ảnh của họ có giá cao hơn cũng là một điều dễ hiểu, X1D được thừa hưởng danh tiếng của ông lớn đến từ Thụy Điển này, cùng với đó là được gia công và sản xuất bằng tay, vậy nên mỗi chiếc máy đều được coi như một tác phẩm nghệ thuật đích thực. Còn với GFX 50S thì Fuji sản xuất chiếc máy ảnh cảm biến Medium Format này thông qua dây chuyền nên chi phí cũng giảm đi khá nhiều.
GFX 50S có thể sử dụng những ống kính Full-Frame
Một thông tin rất mới đến từ những người dùng Trung Quốc, họ đã thử nghiệm một mẫu ngàm bằng máy in 3D và cắm các ống kính cảm biến full-frame lên trên một chiếc máy có cảm biến Medium Format như GFX 50S, điều trước nay chưa từng có với hệ máy có cảm biến này. Kết quả thực sự đáng ngạc nhiên!
Khi cắm với ống kính Leica Normal 50mm f/1.4 Summilux
Khi cắm với 2 ống kính Zeiss Otus 28mm f/1.4 và Zeiss Otus 85mm f/1.4
Và ống kính Schneider cổ
Tạm kết
Như vậy, sau Hasselblad X1D, Fujifilm GFX 50S là cái tên tiếp theo tạo một mức giá mới rất cạnh tranh cho dòng máy ảnh Medium Format vốn từ lâu đã đắt đỏ đến đáng sợ. Fujifilm đã từ bỏ đi một dòng máy ảnh thông dụng, thay vào đó, hãng đã chính thức đi lên một tầm cao mới, chạm trán với những huyền thoại lâu nay đã đóng đinh vào thị trường nhiếp ảnh như Leica, PhaseOne, Hasselblad và Pentax.
Thêm vào đó, việc Fuji GFX 50S có thể sử dụng những chiếc ống kính của hệ cảm biến Full-Frame đã phần nào giúp bài toàn kinh tế dành cho những người chơi trở nền dễ giải hơn. Rõ ràng đây là một lợi thê không nhỏ của Fuji khi đối đầu với những tên tuổi lừng lẫy đã lâu.
Tuy nhiên, đường dài mới biết ngựa hay. Liệu hãng có đủ sức để đương đầu với thử thách khó khăn này không? Thời gian sẽ trả lời thay tôi câu hỏi này!
“There are 365 days in a year. But there are only 2 days, when one cannot do anything. Yesterday, because it’s over. Tomorrow, because one can’t control it. So I live a day at a time and today is a beautiful day” – Celine Dion