Chụp ảnh đường phố – Tức là chỉ cần ra phố là có ảnh. Tuy nhiên, để chụp được những bức ảnh thật sự “chất”, mang hơi thở đường phố thì không dễ chút nào, hãy cùng chúng mình nghiên cứu những lời khuyên dành cho những con người yêu phố phường nhé!
#1: Luôn mang theo máy ảnh
Cuộc sống là sự chuyển động không ngừng và nó chẳng chờ đợi một ai. Bạn cần phải nỗ lực không ngừng để đạt được thành quả. Chụp ảnh đường phố cũng vậy, muốn chụp ảnh đẹp bạn phải luyện tập thường xuyên.
Máy ảnh cũng như một phần bản thân của bạn – nó giúp bạn chia sẻ góc nhìn đối với cuộc sống của bạn đến mọi người và bạn không muốn bỏ lỡ những khoảnh khắc, câu chuyện thú vị chỉ vì bạn không mang máy ảnh bên mình.
“There is nothing in this world without a decisive moment.” – Cardinal Retz
Các nhiếp ảnh gia đường phố nổi tiếng luôn nhắc đến khái niệm “khoảnh khắc quyết định” (decisive moments hay Kodak moments). Có những khoảnh khắc mà bạn chỉ có vài giây để ghi lại trước khi nó biến đi mãi mãi. Do vậy nếu bạn đam mê chụp ảnh đường phố, hãy nhớ đến chiếc máy ảnh của mình mỗi khi bước chân ra khỏi cửa nhé.
#2: Chọn chiếc ống kính tốt nhất
Việc chọn lựa đúng ống kính để bạn sử dụng là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong chụp ảnh đường phố. Không ít bạn có ý định sử dụng một ống tele nhưng đây lại là một lựa chọn mang lại nhiều bất lợi. Chắc hẳn bạn không muốn tự biến mình thành một kẻ kỳ quặc đứng giữa đường chĩa một ống kính to vật vã vào những người đi đường. Tưởng tượng thôi đã thấy không vui phải không nào.
Nếu bạn muốn chụp một cách tự nhiên nhất, hãy chọn một ống kính góc rộng vừa phải. Bạn hãy cố len lỏi vào giữa đám đông và tiến gần đến chủ thể muốn chụp. Có rất nhiều nhiếp ảnh gia đường phố lựa chọn những chiếc máy ảnh compact nhỏ gọn thay vì mang theo một chiếc DSLR to oạch dễ gây chú ý.
Vì vậy, tại sao bạn không thử những chiếc ống kính như 24mm hay 35mm nhỉ?
#3: Đừng quên thay đổi thông số trên máy cho các điều kiện ánh sáng khác nhau
Đối với thể loại chụp ảnh đường phố, chúng mình đánh giá cao sự cơ động khi tùy chỉnh cấu hình trên máy. Bạn có thể phải di chuyển liên tục từ trong nhà ra ngoài đường nắng, do vậy việc thiết lập lại cấu hình sẽ khá mất thời gian, chưa kể nếu bạn vội vàng mà quên không tùy chỉnh ảnh sẽ bị thiếu sáng hoặc thừa sáng tùy trường hợp. Cách nhanh nhất và dễ nhất là bạn thay đổi chế độ chụp của máy ảnh về AV (chế độ ưu tiên độ mở khẩu). Ở chế độ này, bạn sẽ chỉ phải điều chỉnh khẩu độ (f-stop) hoặc ISO nếu muốn, máy ảnh sẽ quyết định tốc độ màn trập một cách tự động.
Căn cứ vào tốc độ màn trập của máy, bạn hãy tùy chỉnh khẩu độ và ISO. Nếu máy ảnh đưa ra tốc độ màn trập dưới 1/80s, ảnh có thể bị nhòe nhưng có thể mang lại hiệu ứng chuyển động trong một số trường hợp cụ thể. Để tránh hiện tượng nhòe ảnh, bạn hãy tăng ISO hoặc mở rộng khẩu.
Đơn giản hơn nữa, đối với những người mới tìm hiểu về máy ảnh, bạn hoàn toàn có thể chuyển chế độ chụp sang chế độ P (Program – cũng khá là giống mode Auto) và để máy ảnh tự thiết lập chế độ chụp phù hợp nhất có thể. Khi chụp chế độ P, bạn vẫn có thể điều chỉnh EV để mang lại hiệu ứng thừa sáng hay thiếu sáng tùy ý tưởng của bạn.
Trên thực tế, có rất nhiều nhiếp ảnh gia thể loại ảnh phóng sự thường sử dụng chế độ chụp “P” và “Auto ISO” cho những tấm hình của họ. Danh sách này còn bao gồm cả người rất nổi tiếng là Steve McCurry.
#4: Di chuyển đến gần chủ thể
Rất nhiều các bức ảnh đường phố ấn tượng được chụp từ khoảng cách chỉ vài mét và đôi khi là chục centimet đến chủ thể. Đi dạo quanh những khu phố đông đúc, những khu chợ nhộn nhịp hay ngay cả khi thả bước chậm rãi trong công viên bạn đều có thể chụp được những shot hình ấn tượng nếu chịu khó quan sát và chú ý đến các chủ thể thú vị.
“If your photographs aren’t good enough, you’re not close enough.” – Robert Capa
Hãy chủ động di chuyển, tiến đến gần chủ thể để chắc chắn bạn sẽ không bỏ lỡ những khoảnh khắc đáng giá.
#5: Hãy cứ chụp đi, đừng ngại ngần chi. Chụp ảnh đường phố là phải vậy
Một số người gặp khó khăn với ý tưởng chụp mỗi khi ra khỏi nhà. Có người lại lại lo sợ khi ra đường và giơ máy chụp, người bị chụp sẽ khó chịu, nổi giận thậm chí sẽ đe dọa đuổi đánh. Trong tiếng Anh, nỗi sợ (FEAR) chỉ đơn giản là “False Evidence Appearing Real” (Bằng chứng giả xuất hiện như thật). Đó là những nỗi sợ của chúng ta, xuất phát từ tâm và tưởng chừng như là thật. Bạn hoàn toàn có thể vượt qua sự sợ hãi khi chụp ảnh đơn giản chỉ bằng cách hãy tự tin và chụp thật nhiều.
#6: Đặt máy chụp ở độ cao ngang hông
Như một lẽ tất yếu, nếu bạn có thời gian ngắm nghía qua ống ngắm và chụp, bạn sẽ có những shot hình tốt hơn. Tuy nhiên, sẽ có những trường hợp mà bạn không thể nâng máy lên ngang tầm mắt và chụp từ hông (shoot from the hip) là một phương pháp giúp bạn không bỏ lỡ những khoảnh khắc quyết định.
Khi tôi mới chụp ảnh ngoài đường, thực sự rất khó khăn để tôi có thể nâng máy lên chĩa ống kính vào những người lạ. Do đó, tôi bắt đầu tập giữ máy ảnh chụp ở vị trí ngang hông để có thể chụp được những khoảnh khắc tự nhiên nhiều hơn nữa. Những lần đầu tiên chụp ở vị trí này, các shot hình của tôi hỏng gần hết nhưng khi đã quen với tiêu cự của ống kính đang dùng, tôi dần dần kiểm soát được khung hình mà không cần thông qua ống ngắm.
Các bạn hãy nhớ điểm mấu chốt là bạn cần hình dung được khung hình đối với từng tiêu cự ống kính để thành công với phương pháp này.
#7: Chụp ảnh đường phố vào ban đêm
Buổi tối ở thành phố là cơ hội tuyệt vời để bạn có những shot hình ấn tượng. Tuy nhiên, khi ra đường vào buổi tối, bạn hãy nhớ để ý đến tốc độ màn trập để tránh việc các tấm hình bị nhòe vì thiếu sáng nhé. Hãy chọn những ống kính có khẩu độ cao để giúp bạn chụp trong điều kiện thiếu sáng mà vẫn đóng băng được chuyển động. Khi chụp bạn hãy chú ý để bố cục tấm ảnh thật rõ ràng.
Đừng quên khi chụp ban đêm dưới nguồn sáng đa dạng từ các bóng đèn, việc chú ý đến bóng đổ ra từ các chủ thể cũng có thể giúp bạn có những bức hình có một không hai đấy nhé. Ngoài ra bạn có thể mang theo chân máy nếu có hứng thú thực hiện các tấm hình phơi sáng.
#8: Tư duy bên ngoài chiếc hộp
Những ý tưởng và cảm xúc mãnh liệt có thể tồn tại trong những khung hình đơn giản nhất. Đa phần mọi người đều nhầm lẫn mà quy chụp chụp ảnh đường phố là phải chụp người đi trên phố. Bạn không cần lúc nào cũng phải có người trong khung hình hay đặt quá nhiều thứ vào trong khung hình của bạn.
#9: Chất lượng ảnh không phải là vấn đề
Có nhiều bạn chắc hẳn sẽ không đồng ý với tôi về điều này. Bản thân tôi khi chụp ảnh đường phố, tôi thường không quá bận tâm đến chất lượng ảnh như khi tôi đi chụp ảnh phong cảnh hay đi chụp sản phẩm. Tất nhiên ai cũng thích một tấm hình có chất lượng tốt nhất nhưng trong thể loại ảnh đường phố chất lượng ảnh lại không phải là một yếu tố quan trọng.
Theo quan điểm của tôi, bố cục, ánh sáng, sự kịch tính và câu chuyện mà bạn đang muốn kể mới những là những thành phần quan trọng tạo nên một bức ảnh hoàn hảo. Nếu ảnh của bạn quy tụ được bốn yếu tố nói trên thì bạn đã đặt được một chân lên con đường trở thành một tay máy đường phố cừ khôi.
Một bức ảnh sắc nét, ít noise và chất lượng thì không chê vào đâu được cũng chẳng đáng giá khi nó có bố cục tồi, ánh sáng xấu và không có sức nặng để truyền tải câu chuyện.
“Technique isn’t important. Technique is in the blood. Events and mood are more important than good light and the happening is what is important.” – Andre Kertesz
Tập trung vào những thứ quan trọng – đó là điều cần thiết để có những bức ảnh đường phố ấn tượng.
#10: Điều quan trọng nhất là … “Hãy cứ vui đi”
Như mọi thể loại nhiếp ảnh khác, điều quan trọng là bạn được sống và làm việc với đam mê của chính mình. Nếu chụp ảnh đường phố không mang lại cho bạn cảm giác thích thú như tưởng tượng, những bức hình bạn chụp ra sẽ mang một sắc thái thường thường không có gì đặc biệt. Dòng chảy sáng tạo chỉ có khi bạn sống với đam mê, do vậy hãy làm những thứ mà bạn thấy vui chứ đừng cố để tạo ra những thứ mọi người muốn nhìn thấy.
Tôi thích chụp ảnh đường phố bởi tôi có thế ra ngoài, tận hưởng cuộc sống, gặp những người bạn mới thú vị và nhìn cuộc sống thường ngày dưới những góc nhìn đặc biệt hơn. Vì thế, hãy bỏ nỗi lo đi, xách máy lên và đi chụp thôi!
Dưới đây là một số gợi ý của 50mm Vietnam để các bạn khỏi băn khoăn mỗi lần có ý định bấm máy chụp ảnh đường phố
- Mang theo máy ảnh, chọn một vị trí có bố cục thật đẹp và thú vị để ngồi. Tôi thường dành khá nhiều thời gian ngồi ở quán café hay các khu công viên khi đi du lịch, máy ảnh của tôi luôn sẵn sàng cho bất kỳ cơ hội chụp nào. Khi bạn ngồi thoải mái việc chờ đợi khoảnh khắc đẹp để bấm máy cũng trở nên đơn giản hơn. Ngoài ra, bạn cũng ít bị mọi người chú ý khi ngồi ở quán café hơn là đứng giữa đường và chụp ảnh.
- Cắm tai nghe, bật một list nhạc yêu thích khi rảo bước quanh các con đường. Âm nhạc là thứ giúp bạn thoải mái và tạo cảm hứng cho việc sáng tạo. (Tôi không khuyến khích các bạn thử cách này vào ban đêm hay ở những khu vắng vẻ, xa lạ. Vẫn cần phải chú ý đến xung quanh các bạn nhé!)
- Hãy cố gắng tạo sự thân thiện và không quên nở một nụ cười niềm nở khi chụp hình để tránh được những phiền phức nếu bị bắt gặp khi chụp mà không xin phép. Điều này còn đảm bảo cho tấm hình của bạn có một sự kết nối tốt đến chủ thể.
Vậy thôi, chúc các bạn thành công với nghệ thuật chụp ảnh đường phố và cho ra những bức ảnh thật độc! Đừng quên theo dõi 50mm Vietnam để cập nhật những thông tin nhiếp ảnh mới nhất và để lại câu hỏi và feedback cho chúng mình trên fanpage nữa nhé.
“A dream you dream alone is only a dream. A dream you dream together is reality.”