Tại sao phía sau thấu kính có những miếng chặn?

Tại sao phía sau thấu kính có những miếng chặn? | 50mm Vietnam

Hãy cùng 50mm Việt Nam tìm hiểu tại sao một số thấu kính Zeiss/Canon/Nikon hoặc ngàm chuyển của Metabones lại có miếng chặn nằm phía sau rất kỳ lạ đến như vậy nhé!

Một điều ít ai để ý, đằng sau những chiếc ngàm máy ảnh của Metabones hay những lens thế hệ mới đều có một miếng chặn che lấp một phần của thấu kính tròn với nhiều hình dạng khác nhau, tùy theo từng ống và hãng sản xuất. Mục đích của nó là gì? Tác dụng ra sao? Không hãng nào giải thích chi tiết về điều này. Rất nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra sau đó, cộng đồng mạng bắt tay vào tìm hiểu và cuối cùng họ cũng có câu trả lời:

Miếng chặn ở sau lens là miếng chặn ánh sáng rìa, dùng để tăng độ tương phản cho hình ảnh, tránh hiện tượng bị lóa do ánh sáng gây ra mạnh gây ra. Nói cách khác, đây chính là một chiếc “lens hood mini” giúp người sử dụng luôn đạt chất lượng hình ảnh tốt nhất bất chấp họ đang chụp trong điều kiện nào, kể cả không sử dụng hood to ở mặt trước.

Tại sao phía sau thấu kính có những miếng chặn? | 50mm Vietnam
Các kiểu thiết kế miếng chặn lens hay gặp trên thị trường.

Để lý giải rõ hơn về điều này, chúng ta hãy nhìn qua thị trường lens hiện tại một chút: Có rất ít lens sử dụng miếng chặn vì hãng sản xuất đều đã tính toán rất kỹ lưỡng các yếu tố như: hộp gương lật (mirrorbox) to, lớp chống phản xạ của cảm biến và cuối cùng là tráng phủ của ống kính để có thể kiểm soát flare ở mức tốt nhất, giữ được chất ảnh và đôi khi tạo hiệu ứng “cinematic” trong quá trình sử dụng.

Nhưng không phải lúc nào mọi thứ cũng đúng như ý họ muốn, đôi khi vì muốn nâng chất lượng hình ảnh lên một tầm cao mới; nhà sản xuất lại phải đau đầu thay đổi cấu trúc thấu kính, nhồi nhét nhiều thứ phức tạp hơn như thêm số lượng thấu kính lồi chẳng hạn. Điều này vô tình làm tăng độ quang sai ở phần rìa thấu kính, tạo ra hiện tượng phản xạ ánh sáng không thể kiểm soát được. Trong trường hợp này, việc thiết kế một miếng chặn ở phía sau thấu kính sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất để đảm bảo cho chất lượng hình ảnh. Tùy theo vị trí bị phản xạ mà nhà sản xuất có thể thiết kế miếng chặn theo hình chữ nhật (chặn toàn bộ rìa) hoặc theo hình chữ D (Một phần rìa) hay một hình nào đó tương tự.

Tại sao phía sau thấu kính có những miếng chặn? | 50mm Vietnam
Hiện tượng lens flare mà mọi người hay gặp. Chú ý tia sáng màu xanh là luồng ánh sáng rất mạnh đi từ rìa vào và bị phản xạ lên cảm biến. (Ảnh: Photographylife)

Nhiếp ảnh gia BoPhoto đã chứng minh được điều này trong quá trình sử dụng ống kính Nikon 50mm 1.4 AF-D trên máy ảnh Olympus của mình thông qua ngàm chuyển, các bức ảnh chụp từ ống kính này đều bị hiện tượng flare một cách khó hiểu.

Sau một hồi nghiên cứu, ông nhận ra thấu kính sau của Nikon quá to so với hộp gương của máy ảnh có cảm biến Micro Four Thirds (M43), ánh sáng phản xạ không thể bị triệt tiêu ngay tại hộp gương như cảm biến 35mm. Vì vậy, ông đã thiết kế một miếng chặn bằng bìa đen ở ngay thấu kính sau, chỉ hở đúng hình chữ nhật bằng kích thước cảm biến M43 cho ánh sáng đi qua. Kết quả thật ấn tượng, flare đã bị loại bỏ hoàn toàn, ảnh chụp từ chiếc Olympus trở nên sắc nét hơn rất nhiều.

Tại sao phía sau thấu kính có những miếng chặn? | 50mm Vietnam
Ảnh chụp bị hiện tượng mờ hình khi sử dụng với ống MF của Nikon trên máy M43. (Ảnh: BoPhoto)
Tại sao phía sau thấu kính có những miếng chặn? | 50mm Vietnam
Giải pháp mà BoPhoto đưa ra là làm một miếng chặn lens ở phía sau để tránh gặp vấn đề. (Ảnh: BoPhoto)

Đến đây, chắc các bạn cũng đã hiểu lý do rồi phải không?

Có một điều dáng tiếc là hiện tại 50mm Vietnam chưa có được hình ảnh ví d ụ before / after của việc có hoặc không có miếng chặn này, để giúp độc giả có cái nhìn rõ ràng hơn. Chúng mình sẽ cố gắng cập nhật trong thời gian sớm nhất!

Nếu bạn có một ý kiến hay hơn hoặc có câu hỏi thắc mắc, hãy mạnh dạn gửi tới fanpage 50mm Vietnam, chúng mình sẽ phản hồi bạn sớm nhất.