Đo sáng chuẩn không cần chỉnh trong một nốt nhạc

Để đo sáng chuẩn không cần chỉnh! | 50mm Vietnam

1. Đo sáng là thế nào nhỉ? Đo sáng chuẩn không cần chỉnh như thế nào bây giờ?

Có lẽ bất cứ một người chụp ảnh nào cũng biết đến tầm quan trọng của ánh sáng trong Nhiếp ảnh. Ai cũng thừa biết rằng ánh sáng chan hòa thì ảnh bao giờ cũng dễ đẹp hơn là ảnh chụp trong hoàn cảnh thiếu sáng. Tuy nhiên, không phải ma mới nào cũng biết đo sáng là cái gì, chứ đừng nói đến việc đo sáng chuẩn không cần chỉnh. Mà cay cú một nỗi là chính vì cái sự “lơ mơ” này, khi ở cùng một điều kiện ánh sáng, có người lại chụp siêu đẹp, còn ma mới lại đành hùi hụi tiếc nuối ôm máy ra về.

Vậy bạn đã bao giờ nghe đến những cụm từ như là Đo sáng điểm, Đo sáng Ma Trận hay Quy tắc “18 shades of grey” chưa? Nếu chưa thì bài viết hôm nay sẽ là bài “vỡ lòng” về đo sáng, giúp các bạn thoát xác thành một người đo sáng chuẩn không cần chỉnh đấy. 

Để đo sáng chuẩn không cần chỉnh! | 50mm Vietnam

2. Để đo sáng chuẩn không cần chỉnh thì phải hiểu những điều cơ bản trước

“18 shades of grey” nghe có vẻ giống tên một bộ phim nào đó phải không nào? Tuy nhiên, những sắc thái được nhắc tới ở đây lại không sexy như trong phim nhưng lại cực kỳ logic nhé.

Nào hãy thử tưởng tượng chiếc máy ảnh thân yêu của bạn chỉ có thể “cảm” được màu đen và trắng, hay nói cách khác là chỉ nhận biết được sáng và tối, chứ không nhận biết được màu sắc nhé. Và quy trình đo sáng chuẩn không cần chỉnh cho một bức ảnh là như thế này. Đầu tiên, máy ảnh sẽ đo điểm sáng nhất và tối nhất trong bức ảnh, sau đó tùy thuộc vào chế độ đo sáng mà bạn đang sử dụng (đo sáng điểm, đo sáng chính giữa, …), chiếc máy sẽ tính toán để cho ra một bức ảnh có sắc thái xám 18%, độ xám tốt nhất để giúp bạn nhận diện các chi tiết. Đây chính là quy tắc “18% Grey” mà bạn có thể bắt gặp đâu đó trên các tài liệu về Nhiếp ảnh.

Để đo sáng chuẩn không cần chỉnh! | 50mm Vietnam

Như ở hình ảnh trên, tôi dùng chế độ Đo sáng toàn khung (evaluative/matrix metering). Điểm sáng nhất chính là những bức tường trắng, chiếc áo màu trắng của cô bé đang đạp xe và điểm tối nhất là quần của cô bé đó và các cánh cửa tối màu. Máy ảnh sẽ tính toán để đo sáng làm sao giúp bạn có được một bức ảnh có độ xám 18%, không quá sáng và cũng không quá tối.

3. Ba chế độ cơ bản giúp bạn đo sáng chuẩn không cần chỉnh

3.1 Đo sáng toàn khung (Evaluative/Matrix Metering)

Với chế độ đo sáng toàn khung, máy ảnh sẽ chia khung hình ra làm nhiều khu vực và áp dụng thuật toán đặc biệt (của từng hãng) để đo sáng cho toàn bộ khung hình, từ đó bức ảnh chụp ra sẽ có độ sáng trung bình giữa tất cả các chi tiết trong ảnh. Đây là một chế độ khá hay được sử dụng trong các bức ảnh phong cảnh hoặc trong những điều kiện ánh sáng chan hòa.

Thường thì máy ảnh sẽ nhận được ánh sáng chính xác như bạn muốn (đặc biệt là trong những trường hợp ánh sáng lý tưởng). Nhưng thỉnh thoảng thì đời cũng không như là mơ, đó chính là khi bạn chụp những cảnh tối hay nghệ thuật một chút (Low key chẳng hạn), có thể bạn sẽ không có được sản phẩm đúng ý mình cho lắm.

  • Hữu dụng khi nào: Phù hợp với đa số trường hợp, đặc biệt là chụp phong cảnh, hoặc các khung hình có ánh sáng chan hòa.
  • Không khuyến khích hoặc không hiệu quả: Các ca chụp ngược sáng.
Để đo sáng chuẩn không cần chỉnh! | 50mm Vietnam
Minh hoạ viewfinder của một chiếc máy ảnh. Ánh sáng được đo và cân bằng cho toàn bộ tấm ảnh.

3.2 Đo sáng điểm (Spot Metering)

Với chế độ này, máy ảnh sẽ đo sáng từ một điểm cố định trong khung hình. Chính vì vậy, đây còn đc gọi là chế độ đo sáng điểm và với chế độ này, sẽ có 3 – 5% khung hình được đo sáng tuỳ theo điểm lấy nét (do bạn tự chọn). Chế độ này rất phù hợp với các bức ảnh chân dung bán thân hoặc các khung hình có ánh sáng phức tạp.

Để đo sáng chuẩn không cần chỉnh! | 50mm Vietnam

  • Hữu dụng khi nào: Phù hợp với các trường hợp chụp ngược sáng, các khung hình có độ chênh sáng cao hoặc các trường hợp dễ bị cháy sáng như chụp áo dài, chụp đồ màu trắng.
  • Không khuyến khích hoặc không hiệu quả: Khi chụp các trường hợp có ánh sáng chan hòa, đơn giản.

3.3 Đo sáng trung tâm (Center-Weighted Metering)

Với chế độ đo sáng trung tâm, máy ảnh sẽ đo ánh sáng phần giữa khuôn hình và cân sáng bức ảnh của bạn dựa vào đó. Chế độ này khác với đo sáng toàn khung ở chỗ nó sẽ chỉ đo sáng phần ở giữa và bỏ qua các chi tiết khác ở góc ảnh, ví dụ nếu bạn chụp một bức ảnh chân dung cận cảnh với mặt trời xuất hiện ở góc hình, trong trường hợp này máy sẽ hoàn toàn bỏ qua mặt trời mà chỉ tập trung vào chủ thể ở trung tâm bức hình.

Để đo sáng chuẩn không cần chỉnh! | 50mm Vietnam

  • Hữu dụng khi nào: Phù hợp với khi bạn muốn ưu tiên các chủ thể chiếm phần lớn ở trung tâm khung hình.
  • Không khuyến khích hoặc không hiệu quả: Khi chủ thể không nằm ở trung tâm khung hình.

4. Chế độ đo sáng chúng tôi dùng nhiều nhất:

Chế độ đo sáng mà các phó nháy của 50mm Vietnam ưa dùng nhất chính là đo sáng điểm (Spot-Metering). Chính vì máy ảnh đo sáng từ một khu vực nhỏ trong khung hình, bạn có thể chọn được giá trị phơi sáng bạn muốn một cách chính xác và nhanh chóng. Đây chính là cách để bạn có được độ phơi sáng hoàn hảo “trong một nốt nhạc”.

Tuy nhiên, là một người chụp ảnh thì cũng nên có sự linh hoạt bạn nhé, trong các trường hợp ánh sáng đơn giản, chan hòa thì chế độ Đo sáng toàn khung (Evaluative metering) sẽ giúp bạn có những bức ảnh ổn hơn nhiều đấy!

Đó là tất cả những gì có trong bài viết này, chúng tôi rất hi vọng thông qua bài viết này, các bạn đã hiểu thêm một chút về đo sáng, nếu có bất cứ thắc mắc hay góp ý nào, hãy gửi feedback cho bọn mình qua fanpage của 50mm Vietnam nhé!

Hẹn gặp lại các huynh đệ trong số tới của “Bí kíp nhập môn”!