Với anh em chụp ảnh, có lẽ RAW chẳng phải là một thuật ngữ xa lạ. Tuy nhiên, đối với nhiều người dùng phổ thông và những ma mới trong làng nhiếp ảnh, định dạng ảnh RAW có lẽ vẫn là một “người lạ” chờ được tìm hiểu kỹ càng hơn.
1. Chụp ảnh RAW khác gì so với chụp ảnh “thông thường”?
Đầu tiên, RAW là một loại định dạng ảnh. Điểm khác biệt giữa định dạng ảnh RAW và định dạng JPEG phổ thông nằm ở quá trình đọc và nén file.
- Với JPEG – loại định dạng ảnh phổ biến nhất, khi một tấm ảnh được chụp, máy ảnh sẽ nén các điểm ảnh mà nó nhận được. Điều này có nghĩa là bạn sẽ nhận được một bức ảnh gồm những điểm ảnh đã được nén dẫn đến chất lượng ảnh có thể bị giảm đi.
- Với RAW thì hoàn toàn khác. Khi bạn chụp một bức ảnh ở định dạng RAW, máy ảnh sẽ nhận và ghi lại tất cả những gì cảm biến máy ảnh ghi nhận được. Điểm ảnh trên một tấm ảnh RAW sẽ không bị nén. Chính vì vậy, file RAW thường có dung lượng lớn hơn bởi các điểm ảnh ở định dạng này không bị nén.
2. Xử lí hậu kỳ với định dạng ảnh raw như thế nào?
Bạn sẽ cần những phần mềm hậu kỳ đặc biệt để xử lí ảnh RAW. Chính vì một tấm ảnh RAW bao gồm mọi thứ cảm biến máy ảnh “nhìn” thấy, bạn sẽ cần chỉnh sửa rồi nén file ảnh lại để tạo ra sản phẩm cuối cùng. Trớ trêu thay, thường thì sau bao nhiêu công đoạn, sản phẩm cuối cùng của bạn lại là một bức ảnh với định dạng JPEG. Vậy tại sao bạn cần chụp RAW vậy? Lý do đơn giản nhất là vì định dạng ảnh RAW cho bạn khả năng kiểm soát độ nén của tấm ảnh. Và bạn biết gì không? Chính bạn sẽ là người chỉnh sửa và xử lí các điểm ảnh theo đúng phong cách và sở thích của bạn, chứ không phải chiếc máy ảnh của bạn.
Bởi những lí do đã nêu, chính bạn sẽ là người kiểm soát những thông số của bức ảnh như cân bằng trắng, độ tương phản, vùng tối, vùng sáng, màu sắc và độ bão hòa màu kể cả sau khi tấm ảnh đã được chụp. Chỉ có một trở ngại duy nhất đó chính là bạn sẽ cần một phần mềm đặc biệt để có thể làm được như trên.
Phần lớn các máy ảnh sẽ đi kèm với phần mềm xử lí định dạng ảnh RAW cho máy tính của bạn. Với những người mới, đây là một điểm xuất phát tốt nếu bạn muốn táy máy một chút với định dạng ảnh RAW. Nhưng bạn sẽ mất kha khá thời gian để quen với những phần mềm này đấy nhé. Một cách khác cho những anh em ưa vọc vạch đó chính là những phần mềm chỉnh sửa ảnh như Aperture, Lightroom hay Photoshop; những phần mềm này thậm chí còn mạnh mẽ và hữu ích hơn rất nhiều so với những phần mềm mặc định của máy ảnh. Trong một số trường hợp, khi chiếc máy ảnh của bạn quá đời mới và tân tiến, có thể các phần mềm nêu trên sẽ chưa kịp update để hiểu được định dạng ảnh raw từ chiếc máy ảnh mới của bạn. Lúc này, bạn chỉ còn lôi đĩa ra cài và quẩy phần mềm mặc định cho máy thôi.
3. Tính thực tiễn của định dạng ảnh RAW
Có một vài vấn đề bạn sẽ cần cân nhắc trước khi quyết định có sử dụng định dạng ảnh RAW hay không.
- Đầu tiên, không phải máy ảnh nào cũng có thể chụp ảnh RAW. Phần lớn máy ảnh DSLR ngày nay đều có thể chụp được RAW nhưng một vài máy point-and-shoot (máy ảnh du lịch) cũ hơn sẽ không có tính năng này.
- Thứ hai, dung lượng file RAW lớn hơn khá nhiều so với ảnh JPEG, chính vì vậy bạn sẽ cần tới những chiếc thẻ nhớ với dung lượng lớn hơn. Tuy nhiên, hiện nay thẻ nhớ khá rẻ nên có lẽ đây cũng sẽ không phải là một vấn đề lớn.
- Và cuối cùng, là một lợi thế cho “phe” định dạng ảnh Raw. Bạn có thể dễ dàng chuyển định dạng ảnh RAW thành JPEG nhưng sẽ không có chiều ngược lại. Có lẽ đây là một sự thật đã quá hiển nhiên, bởi file RAW chứa đầy đủ thông tin cảm biến máy ảnh ghi nhận được trong khi JPEG chỉ là tập hợp của những điểm ảnh đã được nén lại. Bạn không thể chuyển ngược file đã nén thành file đầy đủ được.
4. RAW và JPEG – bạn chọn ai?
Đọc đến đây có lẽ các bạn cũng đã hiểu qua thế nào là RAW và thế nào là JPEG, và chắc cũng có suy nghĩ của bản thân rồi, tuy nhiên 50mm Vietnam cũng vẫn sẽ đưa ra vài lời khuyên giúp các bạn chọn được loại file phù hợp nhất với từng mục đích sử dụng.
Nếu bạn đã hài lòng với những tấm hình đã và đang chụp, bạn chẳng cần đến những Photoshop hay Lightroom làm gì vì tự thấy ảnh của mình hơi bị đẹp rồi thì có lẽ bạn sẽ chẳng cần sờ đến RAW đâu. Tuy JPEG sẽ giới hạn việc chỉnh sửa của bạn, bạn vẫn có thể trang điểm qua cho những tấm hình của mình khá là nhanh.
Cơ mà, nếu bạn thích vọc vạch ảnh ọt hoặc định hướng muốn làm kinh tế với những bức ảnh của mình thì hãy thử RAW đi. Định dạng này chính là trợ thủ đắc lực trong việc chỉnh sửa ảnh nếu bạn muốn trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đấy. Kể cả những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp cũng có thể phải dành khá nhiều thời gian để chỉnh sửa tác phẩm của mình, chính vì vậy nếu bạn muốn cạnh tranh với những cao thủ thì hãy dành thời gian luyện công thêm đi nhé. Có một vài người đã nói rằng việc chỉnh sửa hậu kì chiếm tới 30% thành công bức ảnh của họ cơ đấy nhé!
5. Hãy cứ thử đi nào!
50mm Vietnam có lời khuyên cho các bạn là: Hãy cứ thử đi nào các chàng, trai cô gái, tôi cá là các bạn sẽ ngạc nhiên bởi sức mạnh của RAW trong quá trình hậu kì vì khả năng điều chỉnh cực mạnh của nó. Nhưng cũng nên nhớ là RAW tuy mạnh mẽ, nhưng không phải vạn năng và không phải trường hợp nào cũng có thể cứu cánh cho các tấm chụp ảnh không tốt. Và rằng một bức ảnh đẹp còn cần đến cả người cầm máy nữa, một bức ảnh RAW cũng sẽ chỉ là một bức ảnh tầm thường nếu bạn quá dựa vào việc chỉnh sửa chứ không quan tâm đến việc “bấm máy”.
Đừng quên theo dõi những thông tin nhiếp ảnh mới nhất được 50mm Vietnam cập nhật liên tùng tục trên website. Và cũng đừng quên kết nối với bọn mình qua fanpage nhé! 50mm sẽ rất vui nếu nhận được phản hồi từ các bạn. Và nếu các bạn muốn học thêm về nhiếp ảnh cơ bản thì nhớ click vào đây nhé. Có vô vàn những kiến thức rất lý thú đang chờ đợi các bạn đó! Cảm ơn các bạn rất nhiều.
Leave a Reply