Dạo chơi trên trạm vũ trụ quốc tế ở độ phân giải 8K

Dạo chơi trên trạm vũ trụ quốc tế ở độ phân giải 8K | 50mm Vietnam

Nhờ công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, nên không cần là phi hành gia thì chúng ta vẫn có thể dạo chơi trên trạm vũ trụ quốc tế ở độ phân giải 8K.


Dạo chơi trên trạm vũ trụ quốc tế qua màn ảnh nhỏ

Mới đây cơ quan hàng và vũ trụ Mỹ (NASA) đã đăng tải video thực tế cuộc sống trên trạm vũ trụ quốc tế ở độ phân giải 8K đầu tiên lên Youtube.

Đối với chúng ta, đặc biệt với những ai ưa thích khoa học nói chung, thiên văn học nói riêng mà chưa có dịp nhìn ngắm Trái Đất từ trên không gian thì 3 phút video này dường như vô cùng quý giá. Nó cho chúng ta cái nhìn vô cùng chân thực về cuộc sống trên không gian thú vị nhưng cũng đầy khó khăn so với trên mặt đất như thế nào.

Theo NASA chia sẻ, video này có “nhiệm vụ” mô tả cuộc sống và công việc hằng ngày trên trạm vũ trụ, cũng như cách mà các phi hành gia từ nhiều nước khác nhau hợp tác cùng nhau.

Dạo chơi trên trạm vũ trụ quốc tế ở độ phân giải 8K | 50mm Vietnam

Xuyên suốt video, chúng ta thấy được không gian trong trạm vũ trụ quốc tế khá chật chội, hàng tá thiết bị và cả ngàn km dây dợ, được NASA ghi rõ từng loại trong đoạn mô tả phía dưới.

Dạo chơi trên trạm vũ trụ quốc tế ở độ phân giải 8K | 50mm Vietnam
Kia là Nikon D5

Đáng chú ý bên cạnh các thiết bị phục vụ cho hóa, lý, sinh học, máy ảnh cũng là những thiết bị rất cần thiết cho khoa học thiên văn. Bằng chứng là bức ảnh dưới đây, nửa tá ống siêu tele treo trên tường.

Dạo chơi trên trạm vũ trụ quốc tế ở độ phân giải 8K | 50mm Vietnam
Nửa tá ống siêu tele, cùng chừng 2 chục ống kính các tiêu cự khác, nửa chục thân máy treo trên tường. Hiển nhiên, việc mang nhiều ống tele như vậy chỉ có thể là dùng cho chụp các thiên thể, mà tối thiểu là 400mm. Nguồn: NASA.

Đến đây chắc chắn sẽ có nhiều bạn tò mò muốn biết trạm vũ trụ quốc tế là gì và tại sao nó được nhắc tới nhiều vậy đúng không.

Trạm vũ trụ quốc tế ra đời như thế nào

Trạm vũ trụ quốc tế (hay ISS theo tiếng Anh, MKS theo tiếng Nga) tiền thân là 2 dự án vũ trụ độc lập “Tự do” của Mỹ và “Hòa Bình 2” của Nga, tuy nhiên đều không thực hiện được do thiếu kinh phí.

Cho đến năm 1998, 2 dự án trên được hợp nhất lại và trở thành nòng cốt cho trạm vũ trụ quốc tế hiện nay. Phần lớn các bộ phận cấu thành, nhu yếu phẩm cũng như tất cả các phi hành gia được đưa lên đây bằng 2 tàu Soyuz và Progress của Nga.

Dạo chơi trên trạm vũ trụ quốc tế ở độ phân giải 8K | 50mm Vietnam
Trạm vũ trụ quốc tế tính tới 6/2017 (màu cam). Các bộ phận đang chờ Nga đưa lên (hồng), chờ Mỹ đưa lên (xanh). Nguồn: Wikipedia

Về sau, có thêm nhiều quốc gia đóng góp, đưa ISS trở thành công trình vũ trụ hợp tác toàn cầu. Có tổng cộng 5 đơn vị đóng góp vào: NASA (Mỹ), Roskosmos (Nga), JAXA (Nhật), CSA (Canada), 10/17 nước thuộc ESA (châu Âu).

Cho đến nay, trạm vũ trụ quốc tế đã ở trên vũ trụ được 20 năm, còn 6 năm nữa cho đến lúc hết hạn (2024), nhưng chưa có tin tức nào về kế hoạch thay thế. Bên cạnh đó hợp đồng  “đi nhờ” lên trạm của Nga với Mỹ sắp hết hạn, càng khiến cho tương lai của ISS ngày một mờ mịt.

Tạm kết

Chắc chắn các bạn ưa thích tìm hiểu về khoa học thiên văn đã cảm thấy mãn nhãn và mong ước có chuyến dạo chơi trên trạm vũ trụ đúng không nào. Tuy nhiên chi phí để lên trạm không hề nhỏ, cũng như phải tập luyện rất nghiêm ngặt để có thể lực tốt trước khi bắt đầu chuyến du hành đó.

Nếu như bạn muốn tải video 8K về máy tính, hãy truy cập tại đây, dung lượng đến 3GB đấy nhé. Bên cạnh đó, muốn thưởng thức video này trọn vẹn, bạn cần xem trên một màn hình có độ phân giải 8K – khá đắt đỏ vào thời điểm hiện tại.

Theo DPReview


Hãy cùng chờ đón những thông tin rò rỉ mới nhất của tất cả các hãng máy ảnh trên website của 50mm Vietnam. Và cũng đừng quên kết nối với chúng mình qua fanpage để theo dõi những thông tin thú vị nhất về nhiếp ảnh nhé.